Giống như khi mua sắm rất nhiều món đồ công nghệ khác, khi mua thẻ nhớ, bạn không đơn giản bấm vào kết quả đầu tiên hiện ra trên trang web của cửa hàng bạn chọn.
Thẻ nhớ ngày nay, với kích thước nhỏ và dung lượng lớn, cũng có những tính năng và thông số khác biệt tùy vào từng hãng sản xuất, từng loại thẻ nhớ… Dưới đây là những gì bạn cần biết khi chọn mua một chiếc thẻ nhớ, theo tổng hợp từ trang Gizmodo.
Khái quát về thẻ nhớ
Có lẽ bạn đã quá quen thuộc với những chiếc thẻ nhớ thường được cắm vào khe thẻ của máy ảnh kỹ thuật số hay smartphone. Chúng sử dụng bộ nhớ flash thể rắn tương tự như bộ nhớ lưu trữ bên trong điện thoại hay laptop của bạn, với tốc độ đọc và ghi khá nhanh cùng khả năng “nhồi nhét” hàng tá dữ liệu vào một không gian tương đối nhỏ.
Càng ngày, thẻ nhớ càng có dung lượng lưu trữ lớn hơn, trong khi kích thước thẻ càng bé lại: những chiếc thẻ cồng kềnh hồi giữa những năm 1990 chỉ có dung lượng 2MB, đủ sức giúp chúng thực hiện mục tiêu thay thế đĩa mềm 1.44MB.
Đến những năm 2000, định dạng thẻ SD (Secure Digital) xuất hiện, là sản phẩm hợp tác giữa Toshiba, SanDisk và Panasonic, nhanh chóng thống trị thị trường. Sau đó, lần lượt là những định dạng thẻ microSD, SDXC và microSDXC mà chúng ta vẫn sử dụng ngày nay – với dung lượng tối đa có thể đạt 512GB nếu tiền bạc với bạn không thành vấn đề.
Các định dạng thẻ nhớ khác tất nhiên vẫn còn tồn tại để phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau, nhưng SD và microSD là các loại thẻ phổ biến nhất được dùng trong điện thoại và máy ảnh, do đó trong bài viết này chúng ta sẽ chỉ chủ yếu tập trung vào chúng mà thôi. Hai loại thẻ này có thể nhét vừa mọi thứ, từ những con drone cho đến chiếc máy chơi game Nintendo Switch.
Khi bắt đầu tìm hiểu để mua thẻ nhớ, bạn sẽ để ý thấy một loạt các con số và ký tự in trên bề mặt thẻ và trong bảng thông số của nó. Thực ra có một số thứ khá thừa thãi (khi mà một số thông số lại trùng lặp lẫn nhau), nhưng bạn cũng nên tìm hiểu kỹ để biết được chúng đang nói về điều gì.
Các tính năng và thông số của thẻ nhớ
Đầu tiên là kích thước: thẻ nhớ có thể có kích thước chuẩn SD (chủ yếu dành cho máy ảnh kỹ thuật số và các món đồ công nghệ lớn hơn) và kích thước nhỏ hơn là microSD (được phát triển dành cho smartphone). Các ký tự đứng sau chữ SD chỉ một chuẩn mới hơn, được cải tiến, có dung lượng cao hơn và tốc độ nhanh hơn – bao gồm HC (High Capacity: dung lượng cao) và mới nhất là XC (Extended Capacity: dung lượng mở rộng), và cả hai ký tự này đều được dùng trên các loại thẻ SD lẫn microSD ngày nay.
MicroSDXC là loại thẻ nhớ hàng đầu dành cho điện thoại của bạn, và SDXC là thẻ nhớ hàng đầu dành cho mọi thứ khác. Sau khi đã chọn được kích thước, thông số quan trọng nhất bạn cần chú ý chính là dung lượng, hay lượng dữ liệu một chiếc thẻ có thể lưu trữ. Các thẻ HC và XC mới có dung lượng cao hơn bởi hệ thống tập tin của chúng và nhiều tinh chỉnh khác nữa: hiện những thẻ mới nhất trên thị trường có dung lượng lên đến 512GB (trên lý thuyết có thể còn cao hơn nữa).
Tiếp theo là tốc độ, hay thẻ nhớ có thể đọc và ghi dữ liệu nhanh đến mức nào. Nếu bạn chụp ảnh độ phân giải cao, bạn chắc chắn không muốn mất vài giây chờ đợi giữa mỗi lần nhấn nút chụp để ảnh được ghi vào thẻ. Tốc độ ghi là điều quan trọng nhất và thường được nêu rõ bằng chỉ số Speed Class. Hiệu năng tối thiểu đối với Class 2 là 2MB/s, Class 4 là 4MB/s, Class 6 là 6MB/s hay Class 10 là 10MB/s. Một số hãng sản xuất thẻ nhớ cũng sẽ liệt kê tốc độ tối đa hoặc tốc độ đọc riêng rẽ để phân biệt giữa các thẻ khác nhau.
Bên cạnh tốc độ ghi thuần còn có một thông số phụ thêm mà các thẻ cao cấp thường có: Ultra High Speed (UHS). Người ta thường viết ngắn gọn là U1 (tốc độ ghi tối thiểu 10MB/s, như Class 10) hay U3 (tối thiểu 30MB/s), nhưng đôi khi bạn còn thấy nhắc đến UHS-I, UHS-II, và UHS-III trong bảng thông số thẻ. Chúng là tốc độ tiềm năng của kiến trúc thẻ nhớ (hay tốc độ bus) chứ không chỉ là tốc độ truyền tải đơn thuần, do đó dù liên quan đến nhau, chúng thực ra không phải là một.
Bạn đừng lo lắng quá về UHS-I, UHS-II, hay UHS-III; thay vào đó hãy tìm xem thẻ có U1 hay U3 hay không. Tỷ số truyền tải dữ liệu lý thuyết 104MB/s là hoàn toàn khả thi với UHS-I, 312MB/s với UHS-II, và 624MB/s với UHSS-III, trong khi các thẻ không có UHS sẽ bị giới hạn ở 25MB/s. Tuy nhiên, bản thân bộ nhớ flash và các thiết bị được lắp thẻ cần phải hỗ trợ các tốc độ bus đó.
Một số thẻ nhớ, đặc biệt là các thẻ cũ và giá rẻ, sẽ chỉ liệt kê tốc độ đọc hoặc ghi tối đa (ngược lại với tốc độ ghi tối thiểu chỉ ra bởi Speed Class) – dù bạn nên để ý rằng đây thường là chỉ số tối đa mà bạn sẽ không thường xuyên đạt được. Các hãng còn thường đưa ra một con số như 150X, ám chỉ thẻ nhớ nhanh hơn bao nhiêu khi so sánh với tốc độ đọc của đĩa CD. Nhưng đây lại là một chỉ số lỗi thời, do đó bạn rất ít khi thấy chúng được sử dụng.
Còn một thông số nữa cần nói đến: Video Speed Class, một thông số mới, được thiết kế để giúp bạn chọn được thẻ nhớ phù hợp để lưu video 4K hay thậm chí là 8K. Ở đây, bạn sẽ có các ký hiệu: V6 (tốc độ ghi lên đến 6MB/s, như Class 6), V10 (lên đến 10MB/s, như Class 10), V30 (lên đến 30MB/s, như U3), V60 (lên đến 60MB/s) và V90 (lên đến 90MB/s). Video Speed Class xuất hiện trên các thẻ nhớ XC nhanh nhất và mới nhất, do đó bạn nên để ý đến nó nếu cần hiệu năng đỉnh.
Chọn thẻ nhớ phù hợp
Bên cạnh nắm được các thông số, bạn còn cần phải đảm bảo thẻ nhớ đã chọn có hoạt động được trên thiết bị của mình hay không. Không phải mọi loại thẻ hay mọi dung lượng đều sẽ hoạt động tốt trên mọi điện thoại và camera, đặc biệt nếu bạn đang sử dụng một món đồ công nghệ có tuổi đời đã vài năm.
May mắn là các thiết bị của bạn thông thường sẽ cho bạn biết chúng tương thích với thẻ nhớ nào, và thậm chí còn đưa ra đề xuất nên dùng thẻ có Speed Class tối thiểu nào. Hầu hết các thẻ Class 10/U1/V10 sẽ xử lý thoải mái video 1080p, nhưng với video 4K, tốt nhất bạn nên dùng thẻ U3/V30 nếu không muốn gặp tình trạng giật khung hình.
Bạn cũng nên biết rằng dù sử dụng bất kỳ loại thẻ nhớ nào, chất lượng hình ảnh và video cũng không bị ảnh hưởng. Nhưng thẻ càng đắt, tốc độ lưu và xử lý tập tin càng nhanh, càng đáng tin cậy, ít khả năng lỗi, và cơ hội phục hồi tập tin sau khi xóa cao hơn. Khi bạn quay video 4K, những yếu tố trên là rất quan trọng.
Giữa các chuẩn cũ và mới sẽ có tính tương thích ngược, do đó một thiết bị có khả năng đọc thẻ SDXC sẽ có thể đọc được thẻ SD và SDHC, tất nhiên là ở tốc độ thấp hơn. Nhưng điều ngược lại không đúng, do đó bạn không thể gắn thẻ SDXC vào một món đồ công nghệ chỉ hỗ trợ SD và SDHC được. Như đã nói ở trên, việc tìm ra loại thẻ nào tương thích với thiết bị là khá dễ dàng, nhưng bạn sẽ muốn kiểm tra lần nữa cho chắc trước khi mua (ví dụ, Nintendo Switch cần thẻ UHS-I).
Khi đã chọn được tốc độ mong muốn, bạn có thể quyết định dung lượng cần sử dụng hoặc phù hợp với khả năng tài chính. Dung lượng cao nhất hiện nay là 512GB thường có giá rất đắt, bởi công nghệ cần để làm ra chúng chỉ mới được phát triển gần đây mà thôi. Do đó bạn có lẽ muốn tìm một chiếc thẻ nhớ dung lượng nhỏ hơn, phù hợp nhu cầu hơn. Bạn cũng nên đảm bảo không chi quá nhiều tiền vào một chiếc thẻ có dung lượng quá lớn đối với điện thoại hay máy ảnh của mình. Điều quan trọng nhất là phải xác định được định dạng và mức dung lượng nó hỗ trợ.
Bạn có thể tham khảo thêm các loại thẻ nhớ của Remax tại đây.
Theo VNReview